Trước đây từng có ít nhất 3 nhân viên quán mình thấy quán mình bán quá tốt rồi lấy menu quán mình ra mở quán riêng. Tất cả sập tiệm, đứa lâu nhất được hơn 4 tháng. Ngay cả quản lí chuỗi của mình cũng không đủ khả năng mở quán. VÌ SAO VẬY?

1. Bạn chỉ học được cách pha chế của cái menu đó như vẹt. Không hiểu cái cốt lõi để tạo ra sự khác biệt về thức uống.

Ví dụ: Để tạo ra một loại thức uống cần kết hợp với nhiều loại nguyên liệu khác nhau mà các loại thức uống thường thay đổi theo mùa, theo trend, bạn phải biết cách bắt kịp xu hướng và điều chỉnh sao cho phù hợp chứ không thể bắt chước và giữ mãi menu cũ. Ngoài ra để tạo ra được thức uống mới, bạn cần hiểu biết về đặc tính của từng loại nguyên liệu, từ đó mới kết hợp những loại nguyên liệu nào với nhau và tạo ra được nhiều thức uống mới.

2. Bạn chỉ hiểu cách thức vận hành nhưng không hiểu cách để ra cái quy trình vận hành đó.

Khi bạn tới làm, người chủ đã đưa cho bạn 1 tập những quy trình khác nhau, các nội quy khác nhau. Bạn làm theo những quy trình có sẵn rất tốt. Nhưng khi bạn mở 1 quán mới, thì những quy trình và nội quy đó không còn phù hợp mô hình bạn mở ra nữa. Vấn đề ở đây là bạn không biết nguyên tắc để tạo ra những quy trình đó như thế nào, bạn không thể tự tạo ra những quy trình mới cho quán của bạn.

3. Bạn thấy những con số nhưng không phân tích được những con số đó.

Bạn từng là nhân viên của một quán trà sữa, bạn biết cách pha chế các loại thức uống thông qua công thức mà quán đã cung cấp sẵn, bạn có thể thấy được doanh thu hàng ngày hàng tháng của quán tuy nhiên bạn không thể phân tích được trong những con số đó gồm những gì và điều gì tạo nên những con số đó, là vì bạn chỉ biết phần đuôi chứ không rõ phần đầu và phần thân.
Ví dụ: Khi doanh số giảm thì bạn không hiểu tại sao nó lại giảm để tìm hướng khắc phục. Bạn không hiểu tại sao tết phải mướn thêm nhân viên hoặc có thể chỗ đó tết phải đóng cửa…

4. Bạn thấy cách thức marketing đó hiệu quả nhưng không hiểu tại sao phải làm như vậy.

Ví dụ: Tiếp tục trong trường hợp bạn là nhân viên của một quán trà sữa, bạn thấy chủ quán đưa ra những chương trình khuyến mãi thời điểm này khác, thời điểm khác sẽ khác giúp quán đông khách mang lại lợi nhuận cao. Cũng có khi bạn thấy chủ quán đưa ra những cách thức marketing giúp quán kéo khách rất nhiều nhưng quán vẫn không có nhiều lợi nhuận. Bạn không hiểu tại sao không có lợi nhuận thậm chí bị lỗ mà chủ quán vẫn duy trì các cách thức marketing đó, đơn giản là vì chủ quán muốn đầu tư lâu dài để củng cố thương hiệu của quán mình, các cách thức marketing đó tuy không mang lại lợi nhuận ngay tức thời nhưng sẽ mang lại nhiều lợi ích lâu dài.

5. Đang ở trong 1 hệ thống có sẵn và không hiểu được cách để làm từ đầu.

Ví dụ: Để mở ra một quán là cả một quá trình, một hệ thống, bạn tham gia vào một hệ thống có sẵn để học hỏi kinh nghiệm nhưng khi bạn muốn tách ra riêng thì đó là cả một vấn đề, bắt đầu lại không phải là một điều dễ dàng khi bạn chỉ có một mình trong khi bên kia có cả một hệ thống hùng mạnh. Bạn không biết nên làm gì đầu tiên, phải chuẩn bị những gì, phải mua thiết bị gì, phải chuẩn bị bao nhiêu tiền, hợp đồng thuê nhà thế nào, menu như thế nào phù hợp với mô hình của bạn, giá cả bán bao nhiêu là hợp, vị trí có phù hợp không….Bạn sẽ bị quay cuồng trong những câu hỏi đại loại như thế.

6. Bạn thấy hệ thống vận hành trơn tru nhưng không hiểu người chủ đã làm gì với những mối quan hệ phía sau.

Kinh doanh chưa bao giờ dễ dàng, bạn thấy quán làm an phát đạt, lượng khách hàng nhiều và ổn định, hệ thống vận hành trơn tru,.. Tuy nhiên, phía sau sự thành công đó là quan hệ của người chủ với chính quyền địa phương, với các văn phòng, với các trường, với các bệnh viện, với người có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng… từ đó mới tạo ra được lượng khách hàng lớn cũng như ổn định về an ninh, trật tự để quán hoạt động.